Mạng xã hội vs báo chí
Chiến dịch tấn công tiêu diệt Osama Bin
Laden của quân lực Mỹ có mật danh là “ngọn giáo thần biển”.
Nửa đêm ngày 1/5/2011, hai chiếc Black Hawk
chở đội đặc nhiệm hải quân SEAL cất cánh từ một căn cứ ở miền đông Afghanistan,
nhằm thẳng hướng Abbottabad, Pakistan – nơi có khu nhà mà Bin Laden đang ẩn
náu.
Toàn bố chiến dịch chỉ diễn ra trên thực địa
khoảng 60 phút. Nhưng nó đã được chuẩn bị trong thời gian dài và bí mật tuyệt đối.
Theo lời kể của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary
Clinton, có một câu chuyện thú vị về việc nó đã được giữ bí mật như thế nào.
Sau khi cuộc đột kích kết thúc, Tổng thống Obama chuẩn bị công bố cho toàn dân
trên truyền hình, và trước khi lên sóng thì ông gọi điện cho cả bốn nguyên tổng
thống còn sống để trao đổi. Đến khi alo cho Bill Clinton, Obama nói “Như
Hillary đã nói với anh…”.
Obama cứ nghĩ rằng ngài Bill đã biết trước
về vụ đột kích, vì vợ ngài lúc bấy giờ là bà ngoại trưởng Hillary - thể nào bà chả
buôn chuyện trước với chồng về thông tin “động trời” này.
Thực ra, Bill Clinton không hề biết Tổng thống
Obama định nói gì.
“Trong suốt quá trình chuẩn bị chiến dịch,
họ bảo tôi không được tiết lộ cho bất kỳ ai, vì vậy tôi đã không hé răng. Bill
sau đó còn đùa tôi: Ai ngờ rằng em có thể giữ bí mật chứ!”, bà Hillary viết
trong hồi ký của mình.
Một chiến dịch mà ngay cả đến chồng của bộ
trưởng ngoại giao – cựu tổng thống không biết. Toàn dân Mỹ không biết. Nhưng
trước khi nó diễn ra, một thường dân ở Abbottabad đã tường thuật nó trực tiếp
và công khai qua các mẩu tin ngắn trên Twitter.
Một trong các tweet mà nhà tư vấn người
Pakistan Sohaib Athar đã gửi vào đêm xảy ra cuộc tấn công vào nơi ở của Bin
laden, có nội dung: “Máy bay trực thăng bay vòng vòng trên thành phố Abbottabad
vào nửa đêm – một chuyện hiếm khi xảy ra”.
***
Câu chuyện kể trên không phải về chiến dịch
“ngọn giáo thần biển”. Tôi muốn nói đến cuộc khủng hoảng đưa tin của báo chí
trong thời đại mạng xã hội.
Chuyên gia hàng đầu đến từ Google đã nhận định,
các cơ quan truyền thông chính thống sẽ ngày càng chậm bước trong lĩnh vực tường
thuật thông tin trên thế giới. Đơn giản
vì các nhà báo không thể phản ứng đủ nhanh và đủ rộng trong một thời đại nối mạng.
Thay vào đó, những tin tức nóng hổi, mới nhất
sẽ liên tục xuất hiện trên các nền tảng như Twitter, Facebook, Youtube… Đây là
những mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ thông tin ngay tức khắc, ở khắp
nơi và dễ dàng tiếp cận.
Với chiếc điện thoại trong tay, bất cứ ai
cũng tiềm năng trở thành người đưa tin nóng đầu tiên nhờ vào ngẫu nhiên – kiểu
như anh chàng tư vấn người Pakistan Sohaib Athar đã tường thuật chiến dịch “ngọn
giáo thần biển” ở trên.
Việt Nam không phải là ngoại lệ với sự bùng
nổ của mạng xã hội.
Các tin tức mới nhất về giao thông trên mọi
miền đất nước, đều có thể được chia sẻ đầu tiên trên “Otofun”, “Hội lái xe”….
Các sự vụ lớn nhỏ muôn mặt đời sống xã hội
như mưa lũ, đánh ghen, nghi vấn bắt cóc trẻ em, trộm chó bị dân làng quây sml…,
đều có thể được chia sẻ đầu tiên ở “Hóng biến hội” hoặc là một hội nhóm tương tự
trên Facebook.
Các thông tin thời sự, kinh doanh, công nghệ,
giải trí…, đều có thể xuất hiện đầu tiên đâu đó trên mạng xã hội.
Tin về Trịnh Xuân Thanh cũng lên Facebook đầu
tiên.
Không còn nghi ngờ gì nữa, mạng xã hội sẽ
giết chết báo chí? Nhiều người tin vào điều này. Nhiều người khác lắc đầu.
Mạng xã hội sẽ dẫn điểm trước báo chí, khi
người xem có xu hướng tìm đến những nơi thông tin nhanh hơn, tự do hơn và có
tính tương tác tốt hơn. Nhưng sự hỗn loạn và thông tin kém chất lượng, tin giả,
tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội cũng sẽ khiến người ta e ngại nó, thậm
chí muốn tránh xa.
Hơn bao giờ hết, khả năng kiểm chứng thông
tin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính cạnh tranh của báo chí
trước mạng xã hội.
Đặc biệt với các xã hội đang có tầng lớp
trung lưu gia tăng, những người có học thức và có thu nhập sẽ muốn tìm đến những
kênh truyền thông tin cậy, có khả năng cung cấp các bài phân tích được tổng hợp
từ nhiều nguồn tin đã kiểm chứng.
Đất sống của báo chí sẽ là những bài báo được
đầu tư kỹ lưỡng, trình bày đẹp, ứng dụng nhiều tiện ích công nghệ; là những bài
điều tra; phỏng vấn quan chức cấp cao; bài viết giúp người đọc hiểu được bối cảnh
dẫn đến các sự kiện phức tạp.
Ở góc độ tích cực hơn. Mạng xã hội và báo
chí đang cộng sinh. Nhiều toà soạn làm việc nhóm trên Facbook; lập FanPage triệu
người like để chia sẻ link; tương tác bằng các chương trình live stream…
Mạng xã hội cũng có thêm người dùng, thêm nội
dung, thêm quảng cáo nhờ các toà soạn và nhà báo.
Tuy nhiên, ngay cả khía cạnh chung sống này
cũng nảy sinh vấn đề. Các đường dẫn link từ báo chí bị Facebook chạy thuật toán
“nhấn chìm” sâu xuống đáy News Feed. Facebook còn “bóp” đường chạy của link,
khiến cho việc truy cập vào bài báo từ đường link trên Facebook ngày càng chậm.
Đầu năm 2015, Facebook ra mắt Instant
Article, một công cụ giúp load nhanh nội dung, mang đến cho người dùng trải
nghiệm đọc ngay trong ứng dụng, thay vì chạy đến trang báo điện tử bên ngoài.
Các toà soạn hồ hởi với điều này. Nhưng
không lâu sau, họ nhận ra rằng Instant Article không giúp họ giải quyết được vấn
đề đau đầu nhất: Thu hút người đọc và mang về doanh thu. Và báo chí nhanh chóng
tẩy chay nó.
Cuộc cạnh tranh thu hút người dùng, người
xem giữa mạng xã hội và báo chí sẽ còn dài nhiều tập. Ai nhanh hơn hay ai chất
lượng hơn sẽ thắng?